Chân dung người đứng đằng sau siêu AI Chat GPT, "vũ khí" mà Microsoft dùng để cạnh tranh với Google
ChatGPT là một chatbot do Open AI phát triển, được ra mắt vào ngày 30/11/2022. ChatGPT phát triển nhanh đến nỗi Google đã phải vội vã phát ‘Báo động đỏ’ (‘Code Red’) cho toàn công ty trước dịp lễ Giáng Sinh.
ChatGPT là một chatbot do Open AI phát triển, được ra mắt vào ngày 30/11/2022. ChatGPT phát triển nhanh đến nỗi Google đã phải vội vã phát ‘Báo động đỏ’ (‘Code Red’) cho toàn công ty trước dịp lễ Giáng Sinh.
ChatGPT là gì mà lại khiến Google phải phát báo động đỏ?
ChatGPT là một chatbot do Open AI phát triển, được ra mắt vào ngày 30/11/2022. Chỉ sau 5 ngày, đã có hàng triệu người dùng đăng ký công cụ này. ChatGPT được đánh giá là ‘trả lời câu hỏi như người thật’, có thể trình bày ý tứ một cách logic, có chiều sâu và cực kỳ trôi chảy cho các câu hỏi phức tạp. Được đánh giá là công cụ mạnh hơn bất cứ chatbot nào từng có trước đây, ChatGPT có thể viết kịch bản, viết tiểu luận cấp đại học, viết content…
Khi ChatGPT mới ra mắt, nhiều người dùng thử nghiệm cho rằng ‘ChatGPT có thể thay thế công cụ tìm kiếm của Google’. Trước đó, Google bỏ ngoài tai các bình luận như vậy và nói ‘không có gì phải lo lắng’. Nhưng chỉ một tháng sau, đội ngũ điều hành của Google bất chợt ‘quay xe’ và phát hoảng trước sự đe dọa tiềm tàng của chatbot này. Thậm chí, ngay trước lễ Giáng Sinh, Sundar Pichai, CEO của Google, đã vội vã phát ‘Báo động đỏ’ (‘Code Red’) cho toàn công ty công ty vì ChatGPT đang trở nên quá bùng nổ trên toàn cầu.
Cha đẻ của ChatGPT là ai?
Samuel H. Altman là cha đẻ của ChatGPT. Anh sinh ra và lớn lên ở St. Louis, Missouri, có gốc Do Thái. Anh từng học trung học tại Trường John Burroughs sau đó theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford. Tuy nhiên, năm 2005, Altman quyết định bỏ học tại đây, và đến năm 2017 thì nhận bằng danh dự của Đại học Waterloo.
Được biết, năm 2005, Altman cùng với bạn sáng lập ra Loopt - ứng dụng di động và mạng xã hội dựa trên vị trí và trở thành CEO của startup này. Loopt từng huy động được 30 triệu USD, nhưng phải đóng cửa năm 2012 vì không thu hút được sự chú ý. Startup này sau đó bị Green Dot Corporation mua lại với giá 43,4 triệu USD.
Altman bắt đầu làm đối tác bán thời gian tại vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng Y Combinato vào năm 2011. Đến tháng 2/2014, anh được bổ nhiệm làm chủ tịch của Y Combinato. Hai năm sau, Altman trở thành Chủ tịch YC Group, gồm Y Combinator và các đơn vị khác, đặt mục tiêu tài trợ 1.000 startup mỗi năm.
Đến 2019, Altman từ chức để tập trung vào OpenAI. Altman từng được Forbes vinh danh trong danh sách những nhà đầu tư dưới 30 tuổi hàng đầu thế giới năm 2015. BusinessWeek gọi anh là một trong những "Doanh nhân trẻ xuất sắc nhất trong lĩnh vực công nghệ".
Câu chuyện của ChatGPT
Chat GPT được phát triển bởi OpenAI, đây là một tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 2015 với các khoản tài trợ từ Altman, tỷ phú Elon Musk, đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và những người ủng hộ khác.
Tổ chức có địa chỉ ở khu Mission của San Francisco, với mục tiêu tìm cách hình thành một đối trọng nghiên cứu với các công ty công nghệ lớn như Google của Alphabet Inc. Thay vì theo đuổi lợi nhuận, OpenAI cam kết phát triển công nghệ vì lợi ích của nhân loại.
Tuy nhiên, mọi thứ ở OpenAI bắt đầu thay đổi khi Sam Altman trở thành CEO, anh quyết định đưa phòng nghiên cứu OpenAI chuyển sang một chiến lược mới.
Open AI thay đổi hướng đi, tập trung vào xây dựng một phần mềm đủ sức thông minh để phản ánh trí tuệ và khả năng của con người. Altman tin rằng OpenAI cần tích cực huy động vốn để đáp ứng được sứ mệnh này. Thậm chí, anh còn tham gia giám sát việc tạo ra một mảng lợi nhuận mới của Open AI.
Kể từ đó, OpenAI tiếp cận các đối tác lớn như Microsoft để tìm cách huy động thêm tiền. Altman cho biết các công cụ của công ty có thể biến đổi công nghệ tương tự như việc phát minh ra điện thoại thông minh và giải quyết những thách thức khoa học rộng lớn hơn.
Ngay sau khi trở thành CEO AI, ông Altman đã huy động được khoản tài trợ 1 tỷ USD sau khi bay tới Seattle để trình diễn mô hình trí tuệ nhân tạo cho CEO Microsoft Satya Nadella.
Thỏa thuận với Microsoft đã mang lại cho OpenAI các tài nguyên máy tính cần thiết để đào tạo và cải thiện các thuật toán trí tuệ nhân tạo, dẫn đến một loạt đột phá.
Ngay sau đó, Open AI đã cho ra mắt Dall-E 2, một dự án được công bố vào tháng 9 cho phép người dùng tạo tác phẩm nghệ thuật chân thực từ các chuỗi văn bản. Không lâu sau, dự án ChatGPT, chatbot trả lời thông minh cũng được trình làng.
ChatGPT thể hiện đặc điểm nổi trội khi có thể tự động viết kịch bản phim, kết hợp nhiều diễn viên từ nhiều loạt phim khác nhau, viết luận văn học thuật cơ bản cho sinh viên. Nhiều người gọi đây là ứng dụng siêu AI, có thể trả lời mọi thứ như người thật.
Vào tháng 10, Microsoft cho biết họ sẽ tích hợp các mô hình của OpenAI vào ứng dụng tìm kiếm Bing và một chương trình thiết kế mới có tên Microsoft Design.
Theo WSJ, OpenAI hiện đang đàm phán nâng cao về việc bán cổ phiếu do nhân viên sở hữu. Trong một đợt chào mua trước đó, OpenAI được định giá khoảng 14 tỷ USD.
Cách tiếp cận mới của Altman giúp những nhà đầu tư ban đầu vào OpenAI nhận lợi nhuận gấp 100 lần so với khoản đóng góp ban đầu, nhưng khiến tôn chỉ phi lợi nhuận bị phá vỡ. CEO này đang đối mặt với những hoài nghi khi bị cho là đi ngược với mục đích làm cho nghiên cứu, làm giàu cho các cổ đông.
Nguồn: Wall Street Journal, Tech Sina